Ngưng nói về Tầm nhìn, Sứ mệnh, Chiến lược: Đây mới là cách nên dùng để nói về mục tiêu công ty

Những từ ngữ đao to búa lớn không phải lúc nào cũng hiệu quả. Mục tiêu công ty cần nhìn nhận thực tế hơn

Các nhà lãnh đạo, quản lý và tư vấn gia thích bàn về sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược và chiến thuật của công ty. Đây đều là những khái niệm được sử dụng đến rộng rãi nhưng cũng hay bị hiểu lầm.

Hãy thử hỏi một người bạn định nghĩa của cụm từ “Sứ mệnh”, rốt cuộc bạn sẽ bị cuốn vào một cuộc thảo luận vô tận để đi tìm khái niệm chính xác. Google không thể giúp ích trong trường hợp này, vì có hàng tá định nghĩa “Sứ mệnh” trái chiều có thể được tìm thấy trên mạng.

Tôi không tự nhận mình giỏi hơn ai khác, nhưng tôi có một phương án đơn giản cho nỗi băn khoăn của bạn: Đó là ngừng sử dụng những thuật ngữ này. Chúng mang lại ít giá trị – ngay cả khi bạn tưởng mình hoàn toàn nắm được ý nghĩa của những cụm từ, thì chúng không có khả năng đồng thuận với hoạt động trong tổ chức của bạn.

Vậy nên tôi gợi ý thế này.

Sứ mệnh và Tầm nhìn

Sứ mệnh và Tầm nhìn đều là mục tiêu cần đạt được. Tuy nhiên, cái định nghĩa lại khiến người ta khó sử dụng chúng một cách tự nhiên. Tôi đã nghe nhiều nhân viên và lãnh đạo cãi nhau về khái niệm đúng sứ mệnh và tầm nhìn. Nếu bản thân họ không rõ về định nghĩa cơ bản, làm thế nào để họ đồng thuận với toàn bộ nhân viên trong công ty?

Trước khi giải thích cách tránh nhầm lẫn về hai khái niệm này, đầu tiên ta cùng nhìn vào bản chất của chúng.

#Sứ mệnh là lí do khiến công ty tồn tại

Sứ mệnh sẽ lí giải sự tồn tại của tổ chức. Nó là lí do khiến công ty bạn ra đời, hay chính là mục đích thành lập của công ty.

Ví dụ:

  • “Trao quyền để con người xây dựng cộng đồng và đem thế giới lại gần nhau hơn” (Facebook)
  • “Giúp con người vươn tới những hành tinh khác” (SpaceX)

Sứ mệnh thường khiến nhân viên và khách hàng thích thú, nên website các công ty thường phải trích dẫn sứ mệnh. Bởi đây chính là niềm tự hào của họ.

#Tầm nhìn là hình tượng công ty hướng tới

Tầm nhìn sẽ phản ánh tình trạng hoạt động của công ty và xác định rõ định hướng của tổ chức. Đó chính là thứ mà tổ chức bạn muốn trở thành.

Ví dụ:

  • “Trở thành công ty bán lẻ hàng đầu thế giới” (Walmart)
  • “Trở thành tập đoàn viễn thông hàng đầu trong thời đại kết nối tăng cường” (Vodafone)
  • Tầm nhìn thường nghe không thú vị cho lắm. Nó thường là “trở thành người đứng đầu thị trường hoặc ngành hàng”. Bạn sẽ hay thấy cụm từ này trong các báo cáo thường niên của tổ chức, bởi những người có trách nhiệm với công ty như các cổ đông, ban quản lý và nhân viên rất quan tâm đến điều này.

#Cách tránh nhầm lẫn khi nói về tầm nhìn và sứ mệnh

Những thiên tài như Steve Jobs, Jeff Bezos và Elon Musk thường nhắc đến “mục tiêu tối thượng” khi xây dựng công ty. Do mọi người thường hay nhầm lẫn khái niệm của “sứ mệnh”, “tầm nhìn”, trong khi đó lại quen thuộc với khái niệm “mục tiêu”; tôi khuyên bạn nên tóm gọn sứ mệnh và tầm nhìn thành hai vế trong mục tiêu tối thượng.

Đó là một mục tiêu khiến mọi nhân viên hiểu và nhớ. Đó còn là Chòm sao Bắc Đẩu của công ty bạn, là thứ định hướng chiến lược và chiến thuật của tổ chức. Cấu trúc của một câu phát biểu về mục tiêu tối thượng sẽ giản lược như sau: [TẦM NHÌN] bằng việc [SỨ MỆNH].

Áp dụng vào trường hợp của Walmart, ta có: [Trở thành công ty bán lẻ hàng đầu thế giới] bằng việc [tiết kiệm tiền cho khách hàng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn].

Chiến lược và Chiến thuật

Chiến lược và Chiến thuật cũng là hai thuật ngữ gây hiểu nhầm, tuy nhiên chúng đều có thể quy về các mục tiêu. Chúng ta hãy cùng xem lại bản chất của chúng trước khi giải thích cách để tránh nhầm lẫn đó.

#Chiến lược hình thành trước trận chiến

Chiến lược (strategy) là một thuật ngữ sử dụng trong quân đội, được xuất phát từ tiếng Hy Lạp “stratos” (quân đội) và “ago” dẫu đầu. Đối với định nghĩa trong kinh doanh, chiến lược là cách điều phối nguồn lực để đạt được mục tiêu.

Chiến lược rất quan trọng vì không tổ chức nào có nguồn lực vô hạn. Sẽ không cần một chiến lược nếu công ty đó có vô số nguồn lực – bởi đơn giản nó có thể làm bất cứ điều gì nó muốn. Với nguồn lực hạn chế, chiến lược đóng vai trò quan trọng khi phải đưa ra quyết định lựa chọn. Bằng việc đề ra chiến lược, bạn đang điều phối nguồn lực để đi đến mục tiêu tối thượng.

#Chiến thuật phát sinh trong trận chiến

Chiến thuật cũng là một thuật ngữ quân đội, xuất phát từ cụm từ “taktike” (nghệ thuật sắp xếp đội quân) trong tiếng Hy Lạp. Ta có thể nói ví von rằng: Dàn quân bằng chiến lược, và chiến đấu bằng các chiến thuật.

Nếu chiến thắng là cái đích cuối cùng, với tư cách là người lãnh đạo, bạn phải quyết định làm thế nào dẫn dắt nguồn lực của mình để đạt mục tiêu đó. Chẳng hạn như bạn có thể tấn công cánh trái hoặc cánh phải. Đó là một quyết định điển hình mang tính chiến lược. Hay nói cách khác, chiến lược là những ý tưởng trước khi cuộc chiến nổ ra.

Tuy nhiên chúng ta không thực hiện chiến lược trực tiếp, thay vào đó chiến lược biến thành hành động thông qua các chiến thuật. Đóng vai trò là một nhà lãnh đạo tốt, bạn nên để cả team quyết định chiến thuật nào sẽ phù hợp và cách thức triển khai. Đó có thể là tấn công vào ngày hay đêm, sử dụng loại vũ khí nào,…

#Sự phức tạp của chiến lược và chiến thuật   

Điều rắc rối ở đây là tính linh hoạt và độ nhạy ngữ cảnh của hai khái niệm trên. Nó có thể là chiến lược của một tổ chức, nhưng đồng thời là chiến thuật của tổ chức khác. Với tôi thì tôi thường so sánh bằng cách thấy điều gì khó và cần nhiều thời gian để thay đổi hơn thì là chiến lược. Ngược lại, chiến thuật có thể bị thay đổi dễ dàng và thường xuyên.

Quay trở lại phép ẩn dụ ban nãy: Nếu chiến lược của bạn là tập hợp toàn quân để tấn công cánh trái, bạn không thể đột ngột thay đổi tấn công qua cánh phải. Tuy nhiên, nếu chiến thuật tấn công vào đêm không hiệu quả, bạn có thể thử đột kích lại vào ban ngày.

Việc không thể thay đổi chiến lược nhanh chóng phần nào lí giải tại sao các doanh nghiệp lớn khó có thể theo kịp tốc độ của startup. Một mục tiêu 6 tháng cho startup đã có thể mang tính chiến lược. Nếu không thành công, họ sẽ thay đổi ngay chiến lược của mình trong nửa năm tới. Một nhà doanh nghiệp lớn sẽ cần nhiều thời gian hơn bình thường để thay đổi bộ máy.

#Cách tránh nhắc đến chiến thuật và chiến lược

Khi nhắc đến hai khái niệm này, tôi khuyên bạn chỉ nên dùng từ mục tiêu. Chiến lược giúp bạn điều phối nguồn lực vì mục tiêu chung, còn nhưng nó chỉ dừng ở cấp độ ”công ty”. Chiến lược được phản ánh rõ rệt nhất thông qua mục tiêu công ty, và với hầu hết các tổ chức, những mục tiêu này sẽ được xây dựng theo năm. Chiến thuật tương ứng với Mục tiêu của từng team, và được xây dựng hàng quý. Với khái niệm “Mục tiêu công ty” và “Mục tiêu phòng ban”, ai cũng có thể hiểu chính xác được vấn đề và hiểu tần suất xác định nên chúng.

muc-tieu-cong-ty-01

Nên dùng từ “mục tiêu” thay cho khái niệm “chiến lược” và “chiến thuật”

Một ý phụ nhỏ: những tổ chức lớn thường có mục tiêu hàng năm theo cấp độ phòng ban hoặc chi nhánh. Điều này cũng áp dụng logic giống như trên. Có những tổ chức sẽ có mục tiêu công ty 3-5 năm nằm trên mục tiêu hàng năm. Điều này cũng tốt nhưng đã không còn đơn giản nữa.

Phần kết

Hãy cùng nhìn vào VietJet. Mục tiêu tối thượng của họ đó là: “Trở thành hãng hàng không lớn nhất châu Á (về mặt doanh thu) bằng việc mang đến mức phí rẻ hơn cho mọi chuyến bay”. Một mục tiêu tối thượng đã có sự tập trung rõ ràng, giúp khách hàng hiểu giá trị VietJet có thể mang lại, đồng thời giúp nhân viên đưa ra những quyết định chính xác.

Từ mục tiêu tối thượng, bạn có thể đạt được các mục tiêu khác của công ty (Sẽ vô nghĩa nếu đề ra các mục tiêu công ty mà không có định hướng từ đầu). Trong trường hợp của VietJet có thể là “giảm tối đa giá vé trung bình trong năm 2019”. Đó là một chiến lược khó và mất nhiều thời gian để thực hiện. Nếu công ty bắt đầu mục tiêu này từ quý 1 và 2, nhưng bỗng dưng đổi mục tiêu trong quý 3 thành “đem đến trải nghiệm tuyệt vời tới khách hàng” (đồng nghĩa với việc tốn thêm chi phí), mọi công sức từ trước sẽ trở nên vô nghĩa.

Trước khi thay đổi mục tiêu, bạn cần cân nhắc kĩ lưỡng, vì trường hợp trên có thể thấy rõ mục tiêu mới không liên kết với mục tiêu tối thượng của công ty.

Một mục tiêu tối thượng – nếu được cấu thành tốt – có thể giúp hành động của công ty bạn bạn rõ ràng hơn nhiều. Điều này tương tự với các mục tiêu mang tính chiến lược. Bởi vậy, ta cần định vị tất cả mục tiêu thật rõ ràng và dễ tiếp cận.

Bạn có thể sử dụng phương pháp quản trị OKR để quản lý các mục tiêu, và sau đó bắt đầu theo dõi các kết quả thực tế so với mục tiêu của team đề ra.

OKR là giải pháp quản trị doanh nghiệp bằng mục tiêu, đưa doanh nghiệp đi đúng hướng bằng cách thiết lập và theo dõi mục tiêu toàn diện cho tất cả nhân sự và phòng ban. Mô hình quản trị 4.0 này đã được áp dụng thành công ở những công ty lớn nhất thế giới (Google, Intel, Amazon,…)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *